phường Đồng Kỵ
Đồng Kỵ là một phường của thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, được thành lập từ làng Đồng Kỵ gồm 5 xóm (Bằng, Giếng, Nghè, Đột và Tư) nay là 7 khu phố (Thanh Bình, Thanh Nhàn, Nghè, Đại Đình, Tân Thành, Đồng Tiến, Tư).
Từ năm 1963 đến năm 1996 Đồng Kỵ thuộc xã Đồng Quang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc.
Ngày 1/1/1997 tỉnh Bắc Ninh được tái lập, Đồng Kỵ thuộc xã Đồng Quang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 1/9/1999 Đồng Kỵ thuộc xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh sau khu tách huyện Tiên Sơn thành 2 huyện Từ Sơn và Tiên Du.
Ngày 24/9/2008 thành lập thị xã Từ Sơn, xã Đồng Quang được tách ra làm 2 phường : Phường Đồng Kỵ gồm làng Đồng Kỵ xưa, phường Trang Hạ bao gồm làng Trang Liệt và làng Bính hạ thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
1, Vị trí địa lý : Phía bắc giáp xã Tam Sơn và xã Hương Mạc; phía đông giáp phường Đồng Nguyên; phía Nam giáp phường Trang Hạ và phường Châu Khê; phía tây giáp xã Phù Khê.
Đồng Kỵ ngày nay là một trong 12 đơn vị xã, phường của thị xã Từ Sơn, nằm trong vùng châu thổ sông Hồng thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, trải dọc theo đường tỉnh lộ 277, chiều dài 4,2km.
2, Diện tích tự nhiên : 5,53km2
3, Dân số tự nhiên : 17.084 người (tính đến thời điểm tháng 4/2017)
Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, những kết tinh văn hóa vật thể như đình, đền, chùa, miếu và cả những giá trị văn hóa phi vật thể dạt dào, đằm thắm của những âm hưởng dân ca quan họ, tuồng cổ và những dư âm của lễ hội từ hàng ngàn năm nay “Lễ hội pháo Đồng Kỵ” đã nức tiếng cả trong và ngoài nước. Luôn khơi dậy cho người dân Đồng Kỵ tinh thần dũng cảm trong chiến đấu, năng động, sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, nhân dân Đồng Kỵ cũng đoàn kết, đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm và thiên tai dịch họa, viết tiếp những trang lịch sử hào hùng.
4, Lịch sử :
Theo ký ức dân gian, Đồng Kỵ đã hình thành từ thời các vua Hùng với tên gọi là Tam Trang (làng được tạo ra bởi 3 trang : cời, cọc, cò). Ba trang thờ chung một miếu thần nông (cạnh đền). Đình hiện nay là trên nền đình trang cời trước đây. Tam trang thuộc bộ Vũ Ninh, nước Văn Lang.
Đồng Kỵ còn là xứ sở của Bộ Lạc Rồng, bươn trải theo dòng sông Thiếp Thương được nối liền từ Thăng Long sông Hồng xuôi về tới sông Như Nguyệt. Chính nơi đây cũng là nôi thai nghén của lục đại Hùng triều đã sinh ra Thiên cương Đại Vương Thượng đẳng thần được nhân dân Đồng Kỵ tôn thờ là Thành Hoàng, người có công phạt quỷ trừ Ân thời kỳ dựng nước. Xuất phát từ thần tích đó mà một loạt các phong tục thú vị liên quan đến chiến công của ngài được nhân dân thực hiện hàng năm vào dịp tiết lệ. Đời nọ nối đời kia, những phong tục ấy là truyền thống không thể thiếu được đối với người Đồng Kỵ, nó đi vào cuộc sống của người dân Đồng Kỵ một cách tự nhiên, vừa có ý nghĩa giáo dục, vừa giữ gìn thuần phong mỹ tục bản sắc văn hóa của địa phương, vun đắp đời sống tinh thần của nhân dân trong mọi thời đại. Được các thế hệ người dân Đồng Kỵ tự giác chấp hành như sự nghiêm minh của phép nước, đó là :
- Tục chạy đuốc hay còn gọi là tục tranh cột thái bạch vào đêm 30 tết âm lịch hàng năm (tranh ấn tiên phong của ngài).
- Tục kiệu ông đám : Nhắc lại sự kiện những người dân Đồng Kỵ theo thiên cương đi đánh giặc là họ chia làm 4 đạo quân, luyện tập suốt ngày đêm không biết mệt mỏi (4 ông đám đỏ).
- Hội đốt pháo mùng 4 tháng giêng thể hiện cuộc ra quân rầm rộ, hừng hực khí thế chiến đấu của quân sĩ, làm bánh dày khao quân,… Đều mang những ý nghĩa nhất định và đều liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của vị Thành Hoàng Thiên Cương.
Tục truyền rằng : Nhân khi phu nhân Cao Thị thân sinh Đức Thánh tại khu quán sở của làng và được nhân dân của Ba Trang tận tình giúp đỡ, chăm sóc nên Tam Trang được đổi tên thành làng Nhân Hậu. Vẫn bằng truyền ngôn việc do Phạm Quốc Huý mà làng Nhân Hậu (tên tiếp theo của Tam Trang) phải đổi sang Đồng Chu rồi sau đó là Đồng Kỵ cho đến nay.
Nghĩa tên gọi Đồng Kỵ được nhân dân giải thích là “Bằng nhau, cùng nhau phấn đấu tiến lên”.
Đáng chú ý Đồng Kỵ còn là An toàn khu, đã che chở, bảo vệ những cán bộ cao cấp của Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật. Ngày 09/03/1945 Nhật hất cẳng Pháp. Đêm 09/03/1945, Ban Chấp Hành TW đã họp tại chùa Đồng Kỵ, sau đó phát hiện có mật thám theo dõi. TW đã chuyển đến nhà bà Đám Thi ở làng Đình Bảng họp. Tại đây đã ra chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Nơi đây cùng là trung tâm của vùng cách mạng truyền thống, nằm cận kề với Đình Bảng, Tam Sơn và kế liền là Phù Khê quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Các địa danh trên là những mốc son lịch sử của vùng Đông Ngàn – Kinh Bắc ngàn năm văn hiến.
Tự hào là cội nguồn con cháu vua Hùng, tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương trải qua những năm tháng thăng trầm đã hun đúc lên con người Đồng Kỵ với cái riêng khác biệt, hòa cùng cái chung của một Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Một số tư liệu cho biết niên đại liên quan đến lịch sử của làng :
1, Bản thần phả bằng Hán Văn soạn năm Hồng Phúc I (1572)
2, Bản ước Phúc cổ của xã (làng) mang niên đại Thái Bình thời vua Đinh Tiên Hoàng (970 – 979).
Theo 2 bản Hán Văn này thì bản ước Thúc đã có quá trình vận động trên 800 năm được sao chép lại bởi nhiều người trong các dòng họ của làng : Nguyễn Phúc Viễn thời Hồng Đức sau đó là Chử Phúc Chính – Dương Phúc Năng – Nguyễn Phúc Tâm – Ngô Phúc Dao – Ngô Phúc Miên tự Hoằng Hiến – Ngô Đôn sao lại vào năm Gia Long thứ 18 (Năm Kỹ Mão 1819).
Để tiện cho việc tra cứu, những dẫn giải của làng Đồng Kỵ qua các thời kỳ được đồ họa như sau :
5, Địa điểm, địa danh, nghề nổi tiếng :
Đồng Kỵ được biết đến là một trong cái nôi của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc. Nơi đây có lẽ là một cụm di tích lịch sử hòa đậm bản sắc dân tộc, phong phú các loại hình.
- Đình Đồng Kỵ : có kiến trúc tuyệt xảo. Nơi đây hàng năm vào mùng 4 tháng giêng diễn ra lễ hội đốt pháo độc đáo đã được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” năm 2016.
- Đền Đồng Kỵ : gắn với cuộc kháng chiến chống Pháp.
Thời kỳ sau cách mạng tháng 8 với những trận chiến chống thù trong giặc ngoài của nhân dân Đồng Kỵ
- Chùa Tây Am Tự : Là cơ sở cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. trước cách mạng tháng 8 1945 các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ thường xuyên qua lại hoạt động bí mật để gây dựng và chỉ đạo phong trào cách mạng được sư cụ Phạm Thông Hòa chủ trì chùa trong thời gian này giúp đỡ nên tuyệt đối an toàn.
Cách thủ đô Hà Nội 18km về phía Bắc, thuận tiện cho việc giao lưu về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.
Toàn phường có 2 khu công nghiệp với trên 100 doanh nghiệp lớn. Nhỏ là người địa phương.
Nếu ai có dịp về thăm quê hương Đồng Kỵ mọi người sẽ nhận thấy ở đây có những điểm khác biệt với các làng quê khác. Làng Đồng Kỵ là một quần cư đông đúc trên 17 nghìn nhân khẩu (nhất thôn nhất phường), có lẽ đây cùng là một trong những làng đứng vào diện có số dân đông nhất trong nước, ứng với câu “Đất lành, chim đậu”. Khác biệt là sự phân bố ranh giới thổ cư không thể tách rời nhau, thể hiện sự gắn bó, cấu kết liên hoàn bền chặt, sự gắn bó không phải chỉ về mặt địa lý “Nhà liền nhà tường liền tường” mà còn gắn bó chặt chẽ về tình cảm, phong tục tập quán, lối sống giữa người với người trong sinh hoạt cộng đồng.
Đồng Kỵ là một làng vừa cổ kính vừa hiện đại, có đủ các đặc trưng các loại làng Việt Nam gồm :
- Làng nông : Chuyên về nông nghiệp
- Làng chài : Chuyên về chài lưới, đánh bắt thủy sản.
- Làng buôn : Chuyên về buôn bán
- Làng nghề : Chuyên về ngành nghề thủ công, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ.
Đồng Kỵ đã hội tụ đủ đặc trưng của cả 4 loại làng trên do vậy người Đồng Kỵ rất năng động, dễ hòa nhập, nhạy bén trong hoạt động kinh tế vì vậy trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế ngày nay. Người dân Đồng Kỵ có mặt hầu hết cả nước, các thị trường có nguồn nguyên liệu đầu vào, có khoa học kỹ thuật tiên tiến, có thị trường tiêu thụ lớn để giao thương phát triển nghề gỗ quý hiếm và sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ là một trong những làng nghề nổi tiếng cả trong nước và ngoài nước với các sản phẩm đồ gỗ có chất lượng cao cả về thẩm mỹ và giá trị. Đã được khẳng định bằng thương hiệu “Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ”. Hiện nay Đồng Kỵ có trên 100 công ty, xí nghiệp và trên 95% lao động hoạt động trên lĩnh vực gỗ và đồ gỗ mỹ nghệ mang lại nguồn thu nhập chính cho địa phương.
6, Cơ cấu tổ chức bộ máy của Đảng ủy, UBND phường :